Yên Châu: Phát triển sản phẩm OCOP góp phần xây dựng nông thôn mới

Từ vùng đất nông nghiệp còn nhiều khó khăn, huyện Yên Châu (tỉnh Sơn La) đang dần khẳng định thương hiệu trên bản đồ sản phẩm OCOP nhờ cách làm sáng tạo, bền vững. Việc khai thác lợi thế bản địa kết hợp với phát triển mô hình HTX đã và đang mang lại thu nhập ổn định cho người dân, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới.
Khơi nguồn giá trị từ đặc sản bản địa
Từng chịu cảnh “được giá mất mùa”, cây mận hậu – đặc sản nổi tiếng của xã Phiêng Khoài – từng có lúc được bán với giá chỉ vài trăm đồng mỗi kg. Trăn trở trước thực tế ấy, chị Bùi Phương Thanh, một cô giáo không chuyên về nông nghiệp, đã quyết định rẽ hướng, thành lập Hợp tác xã (HTX) nông sản bản địa Noọng Piêu vào tháng 7/2020 với mục tiêu nâng cao giá trị nông sản quê hương.
Không chỉ dừng lại ở việc bán quả tươi, HTX đã mạnh dạn đầu tư chế biến sâu, xây dựng thương hiệu mận Ruby theo hướng quà tặng cao cấp. Nhờ sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, xây dựng mã vùng trồng, đầu tư nhãn hiệu và bao bì bắt mắt, sản phẩm này được công nhận OCOP 4 sao đầu năm 2024 và đã vươn ra thị trường châu Âu, xuất khẩu 10 tấn/năm sang Đức, Anh, Pháp, Séc… với mức giá 250–300 nghìn đồng/kg.
Không chỉ phát triển mận hậu, HTX Noọng Piêu còn bắt tay với HTX Tây Bắc để nghiên cứu sản phẩm mới – miến tỏi đen – kết hợp giữa nghề làm miến truyền thống của đồng bào dân tộc Thái tái định cư từ Quỳnh Nhai và tỏi đen đặc sản của xã Viêng Lán. Sản phẩm được chế biến từ 80% bột dong đỏ trồng tại Phiêng Khoài và 20% tỏi đen, đang trong quá trình hoàn thiện để phát triển thành sản phẩm OCOP tiềm năng.
Cùng với đó, HTX cũng liên kết sản xuất với nông dân tại 150ha mận hậu, trong đó có 30,5ha đã được cấp mã vùng trồng. Thành viên HTX được tập huấn trồng mận hữu cơ, mận trái vụ và được đảm bảo đầu ra ổn định. Thu nhập trung bình đạt 600–700 triệu đồng/ha/năm, mang lại chuyển biến rõ nét cho đời sống người dân.
Bản nghèo Huổi Sai trước kia, nay đã có diện mạo mới: nhà cửa khang trang, xe máy, tivi hiện diện trong mỗi gia đình; đường vào bản được đổ bê tông dài 4km nhờ người dân góp tiền, hiến đất. Bản đang phấn đấu trở thành bản đạt chuẩn nông thôn mới.
OCOP – động lực phát triển nông thôn
Không chỉ Noọng Piêu, mô hình HTX tại Huổi Hẹ (xã Viêng Lán) cũng ghi dấu ấn với sản phẩm OCOP tỏi đen Diệp Bách của HTX Tây Bắc. HTX kết nạp hơn 10 thành viên là người dân bản, tạo việc làm với thu nhập ổn định từ 5–6 triệu đồng/người/tháng. “Phụ nữ trong bản giờ đã có nghề, không còn phụ thuộc hoàn toàn vào nông vụ”, chị Lò Thị Lưa – thành viên HTX chia sẻ.
Theo ông Vũ Hải Yến – Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Yên Châu, hiện huyện đã có 12 sản phẩm OCOP, trong đó có 2 sản phẩm 4 sao và 10 sản phẩm 3 sao như xoài sấy dẻo, mận hậu sấy dẻo, dâu tây hữu cơ... Các sản phẩm đặc sản ngày càng được tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần thúc đẩy kinh tế hợp tác và tăng thu nhập nông dân.
Thông qua chương trình OCOP, Yên Châu đã khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, bản sắc văn hóa và nghề truyền thống của đồng bào dân tộc. Các HTX không chỉ là đầu tàu sản xuất mà còn là “hạt nhân” lan tỏa tư duy làm kinh tế mới, giúp người dân tiếp cận kỹ thuật, thị trường, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn một cách căn cơ và bền vững.
Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục phát triển các sản phẩm OCOP gắn với du lịch cộng đồng, bảo tồn văn hóa dân tộc và thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu, sản xuất theo chuỗi cung ứng. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh để OCOP thực sự trở thành động lực then chốt trong xây dựng nông thôn mới tại Yên Châu.