BCĐ 389 Tỉnh Nghệ An họp tổng kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả quý I/2019 và triển khai phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới
Quang cảnh buổi làm việc Khó khăn trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại Báo cáo tại buổi làm việc, Q. Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Nghệ An Trần Đăng Ninh – Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo 389 tỉnh cho biết: Quý I năm 2019, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã kiểm tra hơn 2.000 vụ vi phạm về hàng hóa buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với tổng giá trị thu phạt hơn 60 tỷ đồng. Qua công tác theo dõi, nắm tình hình cho thấy, tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp với phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Đ/c Trần Đăng Ninh – Q. Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Nghệ An báo cáo tại buổi làm việc Hành vi vi phạm chủ yếu liên quan đến vận chuyển, buôn bán, tàng trữ các loại hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; vi phạm về sở hữu trí tuệ, xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp; vi phạm các quy định về giá, không niêm yết giá bán hàng hoá, niêm yết hàng hoá không đúng quy định. Hàng hoá vi phạm đa dạng như: Hàng may mặc, rượu ngoại, thuốc lá ngoại, dược phẩm, mỹ phẩm, thiết bị máy móc chuyên dụng, nước giải khát...Đáng lưu ý nổi lên là các loại hàng cấm như ma tuý đá, pháo các loại, đồ chơi trẻ em kích động bạo lực. Phương thức thủ đoạn chủ yếu là các đối tượng chia nhỏ, xé lẻ hàng hoá, vận chuyển vào thời gian cao điểm hoặc là vào đêm khuya, sáng sớm nhằm trốn tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng. Việc hợp thức hoá hàng lậu bằng các hoá đơn bán hàng không đúng thực tế diễn ra thường xuyên. Các đối tượng thường sử dụng các hoá đơn bán hàng ghi đủ chủng loại, số lượng hàng hoá nhưng giá trị hàng hoá thường rất thấp so với giá trị thực tế; sử dụng hoá đơn khống, quay vòng hoá đơn cho nhiều lô hàng. Cũng tại buổi làm việc, các thành viên Ban chỉ đạo 389 tỉnh cũng đã phản ánh những khó khăn trong đấu tranh phòng chống gian lận thương mại ở lĩnh vực kinh doanh xăng dầu; kinh doanh các sản phẩm văn hoá; tình trạng buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng tại các huyện miền núi...Đồng thời, các đại biểu cũng đề nghị cần phải có chế tài xử phạt hành chính đủ mạnh, thạm chí đề xuất luật hoá cho tội danh sản xuất các mặt hàng giả, hàng kém chất lượng làm ảnh hưởng và đe doạ trực tiếp đến tính mạng con người. Cùng với đó, các đại biểu cũng đề nghị nâng mức phân cấp cho các cấp để chủ động xử lý vi phạm; đề xuất công cụ hỗ trợ để test hàng hoá; thành lập trung tâm kiểm định hàng hoá, kho bảo quản đặc dụng các hàng hoá thu giữ...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Vinh phát biểu kết luận Nêu cao trách nhiệm trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại hàng giả trên địa bàn Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Vinh đánh giá cao trách nhiệm, nỗ lực của các ngành trong đấu tranh, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời gian qua. Tuy nhiên, với địa bàn rộng lớn, phức tạp, các thủ đoạn và phương thức vi phạm ngày càng tinh vi, công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh vẫn còn rất khó khăn. Đồng chí đề nghị thành viên Ban chỉ đạo 389 tỉnh cần thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ đã được quy định rõ trong Quyết định 837/QĐ-UBND ngày 20/3/2019 của UBND tỉnh; Kế hoạch 146/KH-UBND ngày 15/3/2019 về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2019 của UBND tỉnh. Hiện, nhiều ngành cũng đã có quy chế phối hợp, tuy nhiên mỗi ngành lại có những quy định riêng của ngành dọc nên cần phải lựa chọn nội dung phối hợp phù hợp, thống nhất trong cách làm để tránh sự chồng chéo, không hiệu quả. Việc phối hợp phải thường xuyên, chặt chẽ nhất về chế độ thông tin để có sự phối hợp nhịp nhàng và để việc xử lý vi phạm mang tính chất răn đe, không nên chỉ dừng lại ở cảnh báo. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền phải làm sao để việc phản ánh, xử lý các vi phạm được thực hiện nghiêm, thống nhất; đồng thời khuyến khích, động viên người dân mạnh dạn tham gia tố giác tội phạm. Đồng chí cũng đề nghị nên chọn chuyên đề và thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra một số vụ việc. Đối với một số mặt hàng làm ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế xã hội cần được tổng hợp và tìm đầu mối nguồn cung cấp hàng để quản lý thuế đầu vào. Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Công an tỉnh chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và công an các huyện, thành, thị nhận diện, nắm chắc tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng, nhất là các phương thức, thủ đoạn mới; tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh có hiệu quả với các hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển các loại hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại... Lực lượng quản lý thị trường cần tăng cường kiểm soát thị trường và tăng cường thanh kiểm tra để kiểm soát chất lượng hàng hoá; đồng thời tham mưu xin Tổng Cục quản lý thị trường xây dựng kho bảo quản hàng tạm giữ cho khu vực. Cục thuế tăng cường công tác thu thuế trên địa bàn; đồng thời phối hợp với các ngành chức năng có liên quan để xử lý những trường hợp trốn thuế, gian lận thuế. Cùng với đó, các ngành chức năng liên quan cũng như các địa phương cần thực hiện tốt trách nhiệm của mình trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Vinh trao Bằng khen của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho 3 tập thể, 6 cá nhân tỉnh Nghệ An
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Vinh trao Bằng khen của UBND tỉnh cho 5 tập thể và 5 cá nhân Nhân dịp này, thừa uỷ quyền của đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Vinh đã trao Bằng khen của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho 3 tập thể, 6 cá nhân tỉnh Nghệ An; trao tặng Bằng khen của UBND tỉnh 5 tập thể và 5 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2018. |
|