Nghệ An: Ngăn chặn buôn bán, vận chuyển trái phép gỗ, động vật hoang dã
Gần đây nhất, ngày 26/11/2018, tổ tuần tra kiểm soát thuộc Công an Nghệ An đã phát hiện và bắt quả tang một xe ô tô vận chuyển trái phép động vật hoang dã. Tang vật thu được là 6 cá thể khỉ, 10 cá thể dúi, 2 cá thể chồn.
Trước đó lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc liên quan đến vận chuyển gỗ và động vật hoang dã quý hiếm từ Lào về Việt Nam như: Tê tê, rùa, gỗ mun...
Bên cạnh đó, trong thị trường nội địa, chủ yếu là tình trạng vận chuyển, buôn bán các mặt hàng không có hóa đơn, chứng từ, hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm về nhãn, vi phạm về VSATTP, vi phạm SHTT như: mũ bảo hiểm, điện thoại, trái cây, bánh kẹo, quần áo may mặc sẵn, mỹ phẩm, điều hòa, thuốc lá, gỗ, gia súc, gia cầm, pháo nổ,... Hàng hóa chủ yếu vận chuyển từ các tỉnh biên giới phía Bắc qua địa bàn Nghệ An đưa vào các tỉnh phía Nam để tiêu thụ hoặc ngược lại... Hàng giả, hàng kém chất lượng chủ yếu là các mặt hàng như: mỹ phẩm, nước giải khát, bánh kẹo, bột giặt, phân bón. Việc sản xuất hàng giả tại địa bàn Nghệ An diễn ra quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu là sản xuất thủ công, pha chế, đóng gói lại, thay đổi bao bì, nhãn mác nhằm đưa ra thị trường lừa dối người tiêu dùng để trục lợi; chưa phát hiện các cơ sở sản xuất hàng giả quy mô lớn.
Phương thức, thủ đoạn: thay đổi lịch trình xe, thay đổi tuyến đường chạy, cất dấu hàng hóa tại những nơi tự tạo trên xe, xé lẻ hàng hóa vận chuyển bằng nhiều xe, nhiều chuyến, sử dụng biển số giả để đánh lừa cơ quan chức năng, sử dụng phương tiện xe khách, xe chuyển phát nhanh bưu kiện, bưu phẩm để vận chuyển và cả xe máy lai; sử dụng hóa đơn quay vòng hoặc ghi giá trên hóa đơn thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế của hàng hóa, nhiều đối tượng còn có biểu hiện chống đối khi bị kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm.
Tình hình buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép trong năm có dấu hiệu tạm lắng. Tuy nhiên, các lực lượng chức năng tăng cường công tác phối hợp tuần tra, kiểm soát, thu thập thông tin nhằm kiểm soát chặt chẽ các hành vi vi phạm có thể xảy ra như buôn lậu khoáng sản, xăng dầu, pháo nổ và các loại hàng hóa khác. Nổi lên hoạt động của tội phạm hình sự: mua bán, sử dụng trái phép các chất ma túy, mua bán tàng trữ, sử dụng thuốc, kíp nổ, sử dụng kích điện trái phép, mâu thuẩn trong tranh chấp ngư trường, va chạm trong quá trình khai thác hải sản trên biển.
Trên tuyến Biên giới đất liền và trên Biển, các lực lượng chức năng Biên phòng, Hải quan tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát các tuyến biên giới cửa khẩu và cảng biển, kịp thời ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới các mặt hàng ma túy, pháo nổ, vật liệu nổ, rượu bia, thuốc lá, gỗ, động vật hoang dã, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, khoáng sản. Đã tịch thu 45 kg thuốc nổ; 2.118,5kg pháo; 1.194 m3 gỗ; 1.500m3 dầu diezen...
Lực lượng Công an triển khai thực hiện công tác nắm tình hình, tổ chức đấu tranh với những đường dây, ổ nhóm, xử lý nghiêm những đối tượng chủ mưu, cầm đầu. Lực lượng Quản lý thị trường với vai trò là Cơ quan Thường trực, đã làm tốt công tác tham mưu giúp BCĐ389 tỉnh, kịp thời chỉ đạo các phòng chuyên môn nghiệp vụ, các Đội Quản lý thị trường thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn; thường xuyên nắm bắt, theo dõi sát diễn biến thị trường, làm tốt công tác dự báo, chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường theo chức năng, nhiệm vụ.
Kết quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã góp phần ổn định tình hình kinh tế xã hội của tỉnh, nhưng chưa tương xứng với tình hình thực tế đang diễn ra. Số vụ kiểm tra, xử lý cao nhưng các vụ việc lớn, điển hình còn ít.
Nguyên nhân là do công tác giám định chất lượng hàng hóa mất rất nhiều kinh phí, thời gian gây khó khăn cho công tác điều tra, xác minh đấu tranh chống buôn lậu.
Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, buôn bán hàng giả ngày càng tinh vi gây nhiều khó khăn cho lực lượng kiểm tra, kiểm soát.
Công tác phối hợp giữa các Hiệp hội sản xuất, phân phối hàng hóa, chủ thể quyền sở hữu hoặc đại diện chủ thể quyền sở hữu với cơ quan quản lý nhà nước trong việc đấu tranh chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu chưa được thường xuyên gây khó khăn cho công tác kiểm tra và xử lý vi phạm.
Thời gian tới, lực lượng chức năng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Nhằm nâng cao nhận thức của các đối tượng kinh doanh cũng như người tiêu dùng. Không kinh doanh buôn bán, tiếp tay, bảo kê, tiêu thụ hàng lậu, hàng không có nguồn gốc, xuất xứ. Chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh thương mại.
Các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng tập trung thực hiện tốt công tác điều tra cơ bản; nắm chắc tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm, nhất là các phương thức, thủ đoạn mới; xác định các tuyến, địa bàn trọng điểm, đối tượng cần tập trung đấu tranh; tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, lập án đấu tranh các đường dây, ổ nhóm buôn lậu lớn qua Biên giới. Đấu tranh có hiệu quả với các hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại, đặc biệt là việc buôn bán, vận chuyển tiền giả, các loại pháo, vật liệu nổ, rượu ngoại, đường, sữa , thuốc lá, động vật hoang dã, nuôi nhốt động vật quý hiếm, các mặt hàng vi phạm vệ sinh ATTP, vi phạm môi trường. Kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra, kiểm soát thị trường, quản lý giá cả các mặt hàng như: Lương thực, thực phẩm, đường, sữa, dầu ăn, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, thức ăn chăn nuôi, xăng dầu.. đẩy mạnh công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm.