DetailController

Một số khó khăn, bất cập trong quản lý và xử phạt vi phạm hành chính đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Hiện nay, các quy định của pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu vẫn chưa thật sự hoàn thiện, còn tồn tại bất cập, một số quy định chưa rõ ràng, thiếu tính đồng bộ… dẫn đến việc áp dụng không thống nhất giữa các cơ quan quản lý nhà nước tại các địa phương.

Những năm qua, công tác quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã đạt được nhiều hiệu quả tích cực. Hàng năm, các lực lượng chức năng như Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Quản lý thị trường, Công an kinh tế… đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu. Qua đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý hàng loạt các vi phạm như kinh doanh xăng dầu kém chất lượng; bán xăng dầu ngoài hệ thống; kinh doanh xăng dầu nhập lậu, xăng dầu không rõ nguồn gốc xuất xứ; vi phạm quy định về biển hiệu; vi phạm quy định về giá bán lẻ xăng dầu và quy trình điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu… nhằm thu lợi bất chính, gây bất bình cho các doanh nghiệp kinh doanh chân chính và ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.

Hiện nay, pháp luật quy định về quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh xăng dầu tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ quy định về kinh doanh xăng dầu (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP, Nghị định số 80/2023/NĐ-CP), quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tại Nghị định số 99/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP). Tuy nhiên, các quy định của pháp luật hiện nay trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu vẫn chưa thật sự hoàn thiện, còn tồn tại bất cập, một số quy định chưa rõ ràng, thiếu tính đồng bộ… dẫn đến việc áp dụng không thống nhất giữa các cơ quan quản lý nhà nước tại các địa phương. Các khó khăn, bất cập cần được sửa đổi, điều chỉnh, cụ thể như sau:

Một là, quy định đào tạo nghiệp vụ về bảo vệ môi trường trong kinh doanh xăng dầu giữa cơ quan được giao nhiệm vụ chuyên ngành về bảo vệ môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và cơ quan quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu (Bộ Công Thương) còn mâu thuẫn.

 Hiện tại, Thông tư số 43/2014/TT-BTNMT ngày 29/7/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về đào tạo nghiệp vụ bảo vệ môi trường trong kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng đã được bãi bỏ theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 3 Thông tư số 19/2023/TT-BTNMT ngày 15/11/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về sửa đổi, bãi bỏ một số Thông tư thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Như vậy, thủ tục về đào tạo và cấp chứng chỉ về bảo vệ môi trường đã không còn được điều chỉnh bởi văn bản quy phạm pháp luật và được hiểu không còn là thủ tục bắt buộc trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Tuy nhiên, Nghị định 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu đã được sửa đổi tại Nghị định 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 và Nghị định số 80/2023/NĐ-CP ngày 17/11/2023 quy định “chứng chỉ tập huấn bảo vệ môi trường” vẫn là một trong những điều kiện bắt buộc trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Mặt khác, Nghị định 99/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31/01/2022 của Chính phủ vẫn quy định chế tài xử phạt đối với hành vi: “Sử dụng người quản lý hoặc nhân viên trực tiếp kinh doanh không được đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về bảo vệ môi trường” (ví dụ như điểm c, khoản 1 Điều 14; khoản 1 Điều 15; khoản 1 Điều 16…).

Như vậy, thủ tục về cấp chứng chỉ tập huấn bảo vệ môi trường trong hoạt động kinh doanh xăng dầu cần được sửa đổi để thống nhất trong quản lý giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Công Thương.

Cục Quản lý thị trường tỉnh Nghệ An kiểm tra hoạt động

 kinh doanh xăng dầu trên địa bàn phân công quản lý.

Hai là, quy định liên quan đến chế tài xử phạt hành vi vi phạm về điều kiện kinh doanh xăng dầu đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu trong Nghị định 99/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 17/2022/NĐ-CP còn nhiều bất cập:

- Tại khoản 2 Điều 14 Nghị định số 99/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP) quy định: “Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với thương nhân bán lẻ xăng dầu tại cơ sở không có Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác” và tại điểm b khoản 3 Điều 20 Nghị định số 99/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP) quy định: “Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: b) Kinh doanh xăng dầu khi Giấy phép kinh doanh xăng dầu được cấp đã hết hiệu lực”. 

Như vậy, thương nhân bán lẻ xăng dầu có Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu hết hiệu lực thì sẽ bị xử phạt theo chế tài nào trong 02 chế tài nêu trên? Hiện nay có 02 quan điểm:

Quan điểm thứ nhất: Thương nhân bán lẻ xăng dầu có giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu hết hiệu lực phải bị xử phạt theo điểm b, khoản 3 Điều 20 Nghị định 99/2020/NĐ-CP với khung phạt tiền từ 40.000.000-60.000.000 đồng, vì Giấy chứng nhận của hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu là Giấy phép kinh doanh xăng dầu, nếu hết hiệu lực thì phải bị xử phạt theo Điều 20 Nghị định 99/2020/NĐ-CP.

Quan điểm thứ hai: Việc đối tượng tự ý kinh doanh cửa hàng bán lẻ xăng dầu khi chưa được cấp phép gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của những thương nhân kinh doanh xăng dầu chân chính; gây nguy cơ cháy, nổ cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường nếu xảy ra sự cố, do các trang thiết bị không bảo đảm điều kiện; có hành vi trốn thuế gây thất thoát ngân sách Nhà nước, thậm chí đối tượng còn có khả năng kinh doanh nguồn xăng dầu lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, ảnh hưởng đến người tiêu dùng…

 Trong khi đó, đối với hành vi vi phạm: “Kinh doanh xăng dầu khi Giấy phép kinh doanh xăng dầu được cấp đã hết hiệu lực”, ngoại trừ các trường hợp cố tình vi phạm thì cũng có một số trường hợp do sơ suất, không thường xuyên kiểm tra các giấy tờ liên quan trong quá trình kinh doanh dẫn đến giấy phép kinh doanh xăng dầu hiệu lực, không kịp thời thực hiện thủ tục bổ sung theo quy định. Nếu so sánh về tính chất, mức độ nguy hiểm giữa hai hành vi vi phạm nêu trên, thì hành vi thứ nhất (tại khoản 2 Điều 14) có mức độ nghiêm trọng hơn so với hành vi thứ hai (tại điểm b khoản 3 Điều 20) nhưng mức xử phạt đối với hành vi thứ nhất lại thấp hơn mức xử phạt đối với hành vi thứ hai là chưa phù hợp.

Trong thực tế xử phạt về hành vi này vẫn còn gặp nhiều khó khăn và áp dụng pháp luật chưa thống nhất giữa các cơ quan có thẩm quyền xử phạt xuất phát từ bất cập của Nghị định 99/2020/NĐ-CP đã nêu ở trên.

Cục Quản lý thị trường tỉnh Nghệ An tiến hành kiểm tra xăng dầu

Ba là, quy định về chế tài xử phạt trong hoạt động kinh doanh xăng dầu trong Nghị định 99/2020/NĐ-CP được sửa đổi tại Nghị định 17/2022/NĐ-CP còn chưa đầy đủ, một số hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu chưa có chế tài xử lý, cụ thể:

 - Tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 83/2014/NĐ-CP quy định: “Thương nhân kinh doanh xăng dầu phải tổ chức kiểm tra định kỳ sáu (06) tháng một lần các cơ sở kinh doanh xăng dầu thuộc hệ thống bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường và quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng xăng dầu”

Tuy nhiên, Nghị định 99/2020/NĐ-CP chưa quy định chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm của thương nhân kinh doanh xăng dầu không tổ chức kiểm tra định kỳ đối với các cơ sở kinh doanh xăng dầu thuộc hệ thống.

- Tại khoản 2 Điều 31 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 của Chính phủ quy định: “Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, thương nhân phân phối xăng dầu phải bảo đảm ổn định mức dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu bằng năm (05) ngày cung ứng, tính theo sản lượng tiêu thụ nội địa bình quân một (01) ngày của năm trước liền kề, cả về cơ cấu chủng loại”.

Tuy nhiên, Điều 30 Nghị định 99/2020/NĐ-CP mới chỉ quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với thương nhân sản xuất và thương nhân đầu mối xăng dầu, chưa quy định chế tài xử phạt đối với thương nhân phân phối xăng dầu không đảm bảo ổn định mức dự trữ xăng dầu bắt buộc.

Vấn đề đặt ra

Từ một số bất cập trên, chúng tôi đề xuất Chính phủ, Bộ Công Thương cần chỉ đạo để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, theo hướng:

- Sửa đổi các quy định và chế tài xử lý về chứng chỉ tập huấn bảo vệ môi trường trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.

- Sửa đổi khoản 2 Điều 14 của Nghị định 99/2020/NĐ-CP theo hướng: Bổ sung  thêm hành vi thương nhân bán lẻ xăng dầu tại cơ sở có giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu hết hiệu lực.

- Bổ sung chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với thương nhân phân phối thực hiện hành vi không duy trì mức dự trữ xăng dầu bắt buộc hoặc duy trì mức dự trữ xăng dầu thấp hơn mức tối thiểu và không báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ, không chính xác tình hình Xuất - Nhập - Tồn kho xăng dầu theo quy định.

- Bổ sung chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm thương nhân kinh doanh xăng dầu không thực hiện các quy định về kiểm tra định kỳ./.

Phòng Thanh tra - Pháp chế
Cục Quản lý thị trường tỉnh Nghệ An

ViewElegalDocument

ViewLink

63 CỤC QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG
Cục QLTT tỉnh An Giang
Cục QLTT tỉnh Bạc Liêu
Cục QLTT tỉnh Bắc Ninh
Cục QLTT tỉnh Bến Tre
Cục QLTT tỉnh Bình Định
Cục QLTT tỉnh Bình Dương
Cục QLTT tỉnh Bình Phước
Cục QLTT tỉnh Bình Thuận
Cục QLTT tỉnh Cà Mau
Cục QLTT tỉnh Cần Thơ
Cục QLTT tỉnh Đắk Lắk
Cục QLTT tỉnh Đắk Nông
Cục QLTT tỉnh Đồng Nai
Cục QLTT tỉnh Đồng Tháp
Cục QLTT tỉnh Gia Lai
Cục QLTT tỉnh Hà Nam
Cục QLTT tỉnh Hà Tĩnh
Cục QLTT tỉnh Hải Dương
Cục QLTT tỉnh Hậu Giang
Cục QLTT tỉnh Bắc Giang
Cục QLTT tỉnh Hoà Bình
Cục QLTT tỉnh Khánh Hoà
Cục QLTT tỉnh Kiên Giang
Cục QLTT tỉnh Kon Tum
Cục QLTT tỉnh Lâm Đồng
Cục QLTT tỉnh Long An
Cục QLTT tỉnh Nghệ An
Cục QLTT tỉnh Ninh Bình
Cục QLTT tỉnh Ninh Thuận
Cục QLTT tỉnh Phú Thọ
Cục QLTT tỉnh Phú Yên
Cục QLTT tỉnh Hưng Yên
Cục QLTT tỉnh Quảng Bình
Cục QLTT tỉnh Quảng Nam
Cục QLTT tỉnh Quảng Ngãi
Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh
Cục QLTT tỉnh Quảng Trị
Cục QLTT tỉnh Sóc Trăng
Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh
Cục QLTT TP. Hải Phòng
Cục QLTT tỉnh Lai Châu
Cục QLTT tỉnh Hà Giang
Cục QLTT tỉnh Điện Biên
Cục QLTT tỉnh Cao Bằng
Cục QLTT tỉnh Bắc Kạn
Cục QLTT tỉnh Tiền Giang
Cục QLTT tỉnh Thanh Hoá
Cục QLTT tỉnh Thái Bình
Cục QLTT tỉnh Nam Định
Cục QLTT tỉnh Vĩnh Phúc
Cục QLTT tỉnh BR - VT
Cục QLTT TP. Đà Nẵng
Cục QLTT TP. Hà Nội
Cục QLTT tỉnh Vĩnh Long
Cục QLTT tỉnh Tây Ninh
Cục QLTT tỉnh Thừa Thiên Huế
Cục QLTT tỉnh Trà Vinh
Cục QLTT tỉnh Yên Bái
Cục QLTT tỉnh Tuyên Quang
Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên
Cục QLTT tỉnh Sơn La
Cục QLTT tỉnh Lào Cai
Cục QLTT tỉnh Lạng Sơn
Tổng Cục Quản lý thị trường
Bộ Công Thương